Vẻ đẹp bí ẩn của những ngôi nhà cổ ở Việt Nam
Hãy cùng Du Lịch Âu Lạc Việt khám phá những ngôi nhà cổ mang nét đặc sắc giao hòa giữa kiến trúc cung đình với lối kiến trúc dân gian mang đậm bản tính dân tộc.
Nhà cổ là những công trình kiến trúc được xây dựng từ thời xa xưa, mang nét đặc trưng riêng biệt thể hiện được tài hoa, sự tri thức và truyền thống trong phong cách kiến trúc cổ Việt Nam . Dù có trải qua hàng ngàn thế kỷ với bao biến cố của lịch sử hay thăng trầm của thời gian thì những công trình kiến trúc cổ ấy vẫn luôn tồn tại cho đến tận ngày nay. Hãy cùng Du Lịch Âu Lạc Việt khám phá những ngôi nhà cổ mang nét đặc sắc giao hòa giữa kiến trúc cung đình với lối kiến trúc dân gian mang đậm bản tính dân tộc.
Vẻ đẹp bí ẩn của những ngôi nhà cổ ở Việt Nam
Tìm về những ngôi nhà cổ, cũng là dịp để du khách tìm hiểu, chiêm nghiệm vẻ đẹp của một không gian văn hóa xưa. Cùng với những cổng làng, gốc đa, những bến nước, mái đình, đã góp phần cân bằng nhịp sống và sự phát triển của đô thị.
Nhà cổ Bình thủy – Cần Thơ
Đây là một trong những ngôi nhà cổ đẹp nhất miền Tây, đã trở thành điểm du lịch Cần Thơ nổi tiếng thu hút du khách đến tham quan. Kiến trúc của ngôi nhà cổ Bình Thủy là sự kết hợp đầy tính nghệ thuật, tinh tế về những giá trị văn hóa phương Tây, cùng cái hồn văn hóa dân tộc trong không gian thờ cúng, hoa văn họa tiết trang trí.
Ngôi nhà rất rộng rãi với tổng diện tích lên tới 6.000 m2, được thiết kế chia thành năm gian, hai mái và chia làm ba phần gồm nhà trước, giữa và sau. Toàn bộ cấu trúc có bố cục cân xứng âm dương với cổng tam quan được xây dựng kiên cố bằng bê tông và sắt theo kiểu dinh thự Pháp, còn cổng phụ xây theo kiến trúc Á Đông với 4 cột tròn, mặt trước gắn bảng “Phước An Hiệu”, sân gạch tàu vô cùng độc đáo, mái lợp ngói Phúc Lộc Thọ kiểu Tam đa, đèn đặt bốn góc Long Lân Quy Phụng dạng Tứ quý và 6 hàng 24 cây cột kèo bằng gỗ lim đen bóng.
Sự quyến rũ của ngôi nhà còn nằm ở bộ sưu tập đồ cổ quý giá như mặt bàn được làm bằng đá cẩm thạch Trung Quốc, bộ trà, ấm, bình khoảng 500 tuổi và bộ ghế sofa kiểu Pháp từ thời vua Louis XV. Vừa mang một nét cổ kính, trang nghiêm cũng vừa thể hiện được tính cách phóng khoáng, trang nhã. Thêm vào đó, ngôi nhà còn được bao bọc bởi khu vườn cây trái và hoa kiểng quanh năm xanh tốt: tùng, dương xỉ, cao, phát tài, sứ,… đặc biệt là những chậu hoa lan và bonsai vô cùng quý hiếm.
Đến tham quan nhà cổ, du khách tour du lịch Cần Thơ còn được trò chuyện với gia chủ để hiểu thêm về cuộc sống và sinh hoạt của những gia đình thời xưa. Đặc biệt hơn hết nơi đây còn được chọn là bối cảnh cho những bộ phim mang tầm vóc thời đại tại thời điểm lúc bấy giờ.
Nhà của Công tử Bạc Liêu
Nhà của Công tử Bạc Liêu
Du khách khi đến du lịch Bạc Liêu đều phải ghé thăm ngôi biệt thự của vị Công tử Bạc Liêu khét tiếng một thời Trần Trinh Huy vào đầu thế kỷ 20.
Được xây dựng từ những năm 1919, do kĩ sư người Pháp thiết kế. Ngôi biệt thự như khoác lên mình một vẻ Tây Âu đầy hiện đại và sang trọng, nổi bật với những đường nét thiết kế tỉ mỉ, hoa văn đẹp mắt, hai đại sảnh rộng rãi và không gian khoáng đãng và kiến trúc hài hòa, nhà được xem là góc phố đẹp nhất của người dân Bạc Liêu. Hầu hết các vật liệu xây dựng ngôi nhà đều có khắc chữ “P” chìm, như minh chứng cho nguồn gốc xuất xứ tại thủ đô Paris hoa lệ.
Ngôi nhà cổ này quy tự rất nhiều món đồ cổ quý hiếm khác nhau. Những chiếc bình, chiếc chậu được chạm khắc tỉ mỉ, sắc nét với nhiều hoa văn tinh tế. Đặc biệt, nơi đây vẫn còn lưu giữ hai chiếc giường mùa đông và mùa hè của Công tử Bạc Liêu giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng. Không những thiết kế sang trọng, rộng rãi mà đồ nội thất bên trong còn rất quý giá đã phần nào phản ánh được văn hóa một thời, đan xen cùng những giai thoại nửa hư nửa thực về Hắc công tử đã tạo nên ấn tượng đẹp về Bạc Liêu – một vùng đất trù phú, con người phóng khoáng. Tất cả đã làm nên thương hiệu du lịch Bạc Liêu hấp dẫn mọi khách phương xa.
Ngôi nhà cổ gần 300 tuổi – Hà Nội
Nằm ở phía tây của thủ đô, ngôi nhà cổ này đã trải qua bao thăng trầm nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn lối kiến trúc cách đây 3 thế kỷ. Đây là một nhà cổ hiếm hoi được xây dựng theo kiến trúc như một đình làng, cổng dẫn vào nhà thờ họ nhuốm màu thời gian với mái lợp ngói đỏ và lát gạch cổ kính.
Ngôi nhà cổ gồm nhà tiền tế và chính điện được dựng nên bởi các loại gỗ như lim, xoan rừng. Giá trị của ngôi nhà dễ nhận thấy nhất qua đôi hạc đứng trên mình hai con rùa bằng gỗ quý ở gian dĩ tòa nhà tiền tế. Đôi hạc với rùa thường gắn liền với đền, đình, miếu. Hạc tượng trưng cho sự thanh tao, thanh thoát, rùa thể hiện cho sự vững bền, dài lâu. Bên dưới trước bàn thờ là tượng gỗ hai ông Phỗng ngồi gác cổng có ý nghĩa về tâm linh, xua đuổi tà ma.
Trải qua 3 thế kỷ, dòng họ Đỗ vẫn lưu giữ được các vật dụng tế lễ ngày xưa như hoành phi, câu đối, hương án, giường thờ, bộ kiệu,… Trong 100 ngôi nhà cổ ở làng Đông Ngạc, nhà thờ dòng họ Đỗ được xem là cổ nhất trong lịch sử những ngôi nhà cổ là điểm tham quan du lịch Hà Nội nổi bật lưu giữ được những giá trị lịch sử lâu đời, mang đậm hồn cốt của người dân xưa